Nguyễn Khải, tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Hà Nội. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962). Sau năm 1975 Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Khải mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh do bệnh tim.
Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú: về nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội-chính trị có tính thời sự và đời sống tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.
Sáng tác của Nguyễn Khải thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng của nhà văn với các vấn đề xã hội, năng lực phân tích tâm lý sắc sảo, sức mạnh của lý trí tỉnh táo.
Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)... Tác phẩm tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của ông.Tác phẩm cuối cùng của ông là tuỳ bút: Đi tìm cái tôi đã mất (2006) ghi lại những trăn trở của Nguyễn Khải vào những năm cuối đời.