Đoàn Giỏi (1925-1989) sinh tại Tân Hiệp - Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm mẫu ruộng màu mỡ ven sông Tiền. Nhà ông xưa toà ngang dãy dọc, nơi mà bây giờ trở thành trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành. Tất cả nhà và đất gia đình ông đã tự nguyện hiến cho kháng chiến ngay từ đầu. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Đoàn Giỏi ra vào Nam – Bắc như cánh chim trời. Ở Hà Nội thì ông ở trụ sở Hội Nhà văn, vào Mỹ Tho thì ở cơ quan Hội Văn Nghệ, còn ở Sài Gòn ông tá túc tại nhà một người bạn trên đường Võ Văn Tần. Cho đến khi qua đời ở tuổi 65 (1989), ông vẫn chưa có một mái nhà riêng. Đoàn Giỏi là con đẻ và là kết tinh của nền văn hoá phương Nam, ông đã hiến trọn của cải vật chất và tinh thần của mình cho những người dân phương Nam khẳng khái khai phá, sáng tạo!
Để có được một miền đất phương Nam trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những cánh chim tung trời, tiếng vó ngựa reo vui trên đường làng, tiếng mái chèo trên sông nước… chúng ta không thể quên được công lao to lớn của ông cha ta hơn 300 năm về trước xuôi thuyền vô phương Nam đi mở đất – qua bao cuộc bể dâu, qua bao cuộc đổi thay, qua bao gian khổ hy sinh với một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương mãnh liệt. Không biết tự bao giờ những câu hò, điệu lý đã đi sâu và in đậm trong từng tấc đất, từng con người và từng mái nhà, từng rặng cây… để hôm nay chúng ta được kế thừa một tài sản âm nhạc vô giá mang đậm dấu ấn của miền sông nước, cái nôi của các ngón đờn tài tử cải lương.
Chúng ta gặp nhà văn Đoàn Giỏi ở rất nhiều nơi: trong trang sách giáo khoa, trong ngôi nhà dấu yêu nhỏ bé. Nụ cười của ông vẫn còn tươi nguyên bên bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Chúng ta còn gặp ông bên cạnh các bạn văn một thời trong những tấm ảnh đã ngả màu, và cuối cùng là ở nghĩa trang nơi duy nhất mà ông không còn phải bận rộn với những tác phẩm văn học. Dù bất cứ ở đâu, ông cũng được đồng nghiệp, bạn bè, độc giả thương mến. Và ai từng tiếp xúc với ông đều có chung cảm giác: Nhớ nhà văn Đoàn Giỏi.