Phạm Công Thiện photo

Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện là một nhà văn, triết gia, học giả, thi sĩ và cư sĩ Phật Giáo với pháp danh Thích Nguyên Tánh( thời trẻ có bút hiệu Hoàng Thu Uyên dùng cho các tác phẩm dịch thuật). Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ.

Ông đến với văn chương từ rất sớm. Từ năm 13 tới 16 tuổi, ông là cộng tác viên của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Năm 1960, ông khởi sự viết cuốn "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" khi chưa được 19 tuổi. Thời kỳ này ông viết nhiều sách về Phật Giáo, dù ông theo đạo cơ đốc.

Năm 18 tuổi, giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Về sau ông còn là giáo sư của nhiều trường đại học khác nữa dù chưa bao giờ đi thi tú tài, cũng chưa học một trường đại học nào.

Năm 23 tuổi, ông cho ra đời cuốn sách Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền Tông, mà sau đó đã trở nên nổi tiếng. Đến năm 26 tuổi, ông đã có hàng chục cuốn sách triết học, tiểu luận và thơ. Ông cũng khởi xướng và tham gia tranh luận nhiều về đề tài Phật giáo trên các báo Sài Gòn.

Đầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc "khủng hoảng tinh thần". Tại đây ông quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966 - 1968, ông là Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp.

Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư Phật Giáo viện College of Buddhist Studies.

Từ đó về sau, ông ở Mỹ và tiếp tục viết sách - phần lớn là nghiên cứu về đạo Phật.

Ngày 8/3/2011, ông qua đời tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 71 tuổi.


“Chưa bao giờ tôi mệt như chiều hôm nay, tất cả trôi lềnh bềnh, tôi ngạt thở, tôi nằm dài trên giường trong cơn hấp hối tuyệt vọng. Sống, sống lên, tôi mệt quá rồi, mây trắng vẫn còn bay?”
Phạm Công Thiện
Read more
“Triết lý là biến hơi thở thành khói thuốc, và triết gia là những kẻ bị ung thư tinh thần.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Cái gì làm tôi không hiểu, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Đêm qua mưa ào ào tuôn chảy hơn thác nước; trời xuất tinh sau những ngày nóng dữ dội. Mưa đổ ào ào suốt buổi chiều, suốt buổi tối và suốt đêm. Tôi ngủ sớm, vì lâu lắm tôi mới được ngủ trong tiếng ru thơ mộng của cơn mưa lũ; tôi đắp mền kín cả người, thức giấc thì thấy thành phố đẹp lạ thường vào lúc bình minh; những mái nhà đen xanh, màu huyền lam, ửng lên một chút đỏ phượng trên chân trời mây xám. Tôi tưởng đang sống trong thế giới của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà tôi đã sống lúc còn bé nhỏ. Tách cà phê sữa và vài điếu thuốc bastos đưa tôi trở lại thế giới người đời. Mặt trời hừng sáng, tràn ngập vào phòng tôi; tôi nghe một trăm con chim đang nhảy trong tim.Lâu lắm rồi, tôi mới được nghe tiếng chổi quét bên hàng xóm. Tim tôi nhói lên vì bao nhiêu hình bóng thơ mộng bay về lào rào theo tiếng chổi sau cơn mưa. À ơi, mẹ ru con ngủ... Tôi hạnh phúc quá sức, còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ nằm trên giường, mở rộng ba cánh cửa sổ, nằm kê gối đầu giường ngước nhìn ra chân trời cây mọc đàng xa, dở vài ba trang sách, mắt ve vuốt mực in màu đen, ngửi mùi giấy thơm của trang sách in ở Paris, của một tác giả xa lạ; mộng và thực xoắn vào nhau như lá bí và bông bụt, lòng tôi tràn trề như sữa chảy bất tận từ lòng trời. Cơ thể tôi run run như khi giao hợp; ồ ồ, tôi sung sướng ngất ngư tắm trong mật ngọt của những đài hoa, của hương phấn bông rừng. Hơi thở tôi nhẹ quá, tôi không còn nghe được hơi thở tôi nữa. Tôi cũng không còn là tôi nữa. Cái tôi quá nhỏ bé và cạn cợt; tôi bay lên trên nóc nhà ướt mưa đêm qua. Tôi bay lên tiếng kêu của trẻ con bên xóm. Tôi không còn mang tên, mang tuổi; một tiếng chim con vừa kêu, tôi sụp lạy.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Viết điên lên. Viết bất cứ cái gì; viết về gió, nước mắt, mây đen, tàn thuốc, bình minh, tiếng xe cộ, vệt mây đỏ, tiếng va chạm của kim khí, chậu hoa héo, chim, áo phơi, hang xóm, máu, bàn tay. Viết cho mệt nhoài thân thể, rã rời trí óc, tê chết ngòi bút, lạnh buốt hơi thở. Viết như chưa từng viết bao giờ. Viết cho hoang phí hết sức khoẻ, tiêu tán hết những con đường, mòn nát hết những trang giấy trắng trên đời. Viết cho chết lẵng hồn tất cả những hi vọng của trái đất. Viết như giã biệt đời sống, tuyệt bút gửi lại miền Bắc Cực và Nam Cực. Tôi ôm cả địa cầu trong đại dương chưa khám phá của Mực và Máu.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Nguyên vừa bước vào gần nơi tôi nằm, anh đem đến cho tôi một điếu xì gà, tôi rủ anh vào ngồi ghế kế bên tôi cho vui, tôi bảo anh ngồi viết tiểu thuyết bên cạnh tôi. Ừ, tôi cần một sự có mặt nào đó. Nguyên ngồi tư lự; mỗi khi tư lự, anh thường nhổ mấy chân râu sót lại trên cằm. Anh đang suy nghĩ tìm ý tưởng. Tôi không suy nghĩ, tôi không tìm ý tưởng; tất cả ý tưởng đều như nhau. Tôi viết như tôi nói, tôi viết theo dòng máu chảy, máu tôi chảy quá nhanh, ngòi bút tôi chạy theo không kịp.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Đi vào cầu tiêu là đi vào cõi chết; chỉ khi nào đi vào cõi chết mới có được nỗi cô đơn khôn cùng của lúc đi trong cầu tiêu. Đi vào cõi chết là cởi truồng ra, duỗi hai chân ra và ngồi trên địa cầu, để hồn bay lênh đênh trên không trung đóng chặt, tư tưởng loãng ra và biến mất theo tư tưởng loài người; ngoài cánh cửa cầu tiêu là nói chuyện, lựa lời nói chuyện cho có duyên dáng, thanh lịch và quý phái, hoặc lựa lời nói chuyện cho vũ bão, tục tĩu, hoang đàng cộc lốc, ngang tàng hoặc la hét lên hoặc nói khe khẽ thủ thỉ như đôi nhân tình đầu thu chớm lạnh; ngoài cánh cửa cầu là phải nói chuyện, nói chuyện để cho mặt trời vẫn mọc, để đi, đứng, ngủ thức, thở, ăn, đợi, yêu, ghét, và nhìn những chiếc tàu đi mất.Khi tới Rome, nhớ đến thăm mộ K...K. đã đi vào cầu tiêu ở Rome và đã đóng cửa lại và đã không còn nghe bên ngoài nói chuyện nữa.”
Phạm Công Thiện
Read more
“Viết là đâm nổ mặt trời.”
Phạm Công Thiện
Read more