“Người Việt Nam đẻ ra là tự động biết sợ ma, sợ mơ thấy lửa, sợ gò má cao, sợ nốt ruồi ở tuyến lệ, sợ ăn thịt chó đầu tháng, sợ ăn thịt vịt đầu năm, sợ hương không uốn, sợ pháo không nổ, sợ năm hạn, sợ tuổi xung, sợ sao Thái Bạch, vân vân và vân vân. Người Pháp không sợ vu vơ như vậy. Người Pháp gọi đó là mê tín dị đoan. Nhưng người Pháp học cấp một đã sử dụng trôi chảy các thuật ngữ: thất nghiệp, trợ cấp xã hội, lương tối thiểu, tiền thuê nhà, tiền trả góp, tiền bảo hiểm ô tô, hợp đồng làm việc ngắn hạn, dài hạn, thời gian thử thách, thuế thu nhập, thuế thổ trạch, thuế ngự cư, thuế vô tuyến truyền hình, thuế giá trị gia tăng...Người nước ngoài ở Pháp còn sử dụng trôi chảy thêm một số thuật ngữ khác: thẻ cư trú tạm thời, thẻ cư trú vĩnh viễn, thẻ lao động, hồ sơ tị nạn, hồ sơ quốc tịch, hồ sơ đoàn tụ gia đình, hồ sơ xin trợ cấp...”
“... Ban ngày mọi thứ đều gớm ghiếc. Người ta lịch sự, mơn trớn, tô son đánh phấn, rắc nước hoa, đi xe đạp. Mẹ kiếp, xi-líp cũng cần mác xịn. Mình muốn đập tan tất cả các tôn giáo (phải ngu lắm mới thờ một thằng ngoẻo từ đời tám hoánh, một thằng chắc chắn không biết giấy toa-lét là gì). Nhưng đạo Phật không đến nỗi. Nếu nhà chùa cho tự do tình dục thì mình cũng trùm áo cà sa mấy năm. Tiện, chẳng cần mặc quái gì bên trong. Mà đầu cũng đã trọc sẵn...”
“Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi chín phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ. Mọi dự định đều để giành đến hai ngày cuối tuần nhưng thứ bảy buổi sáng chen lấn trong siêu thị, buổi chiều hút bụi lau cửa kính giặt quần áo rửa xe ô tô, chủ nhật ăn cơm trưa xong đã bốn giờ chiều, hai ly rượu vang lại khiến phải ra đi-văng làm một giấc, tám giờ tối thức dậy ăn nốt chỗ cơm thừa ban trưa, thế là vừa vặn đúng bốn mươi tám tiếng đã tưởng chệch ra được vòng tròn của thời gian.”