“Rào mắt cáo bao quanh ngôi nhà không ở có một cánh cổng cũng mắt cáo. Tôi thử đẩy. Nó mở ra dễ dàng đến mức hầu như khiến mình mất hứng, như thể nó giục tôi vào vậy. “Không sao đâu, cứ đi thẳng vào”, dường như nó bảo tôi thế. Tuy nhiên, không cần học luật tám năm trời tôi cũng biết rằng đường đột vào nhà người khác, cho dù nhà không người ở, là phạm pháp. Nếu một người hàng xóm phát hiện thấy tôi trong căn nhà không người ở và báo cảnh sát, họ sẽ xộc tới tra hỏi ngay. Tôi sẽ nói rằng tôi đi tìm mèo; nó đi đâu mất, tôi đang tìm nó khắp các nhà hàng xóm. Họ sẽ yêu cầu cho biết địa chỉ và nghề nghiệp. Tôi sẽ phải bảo họ tôi đang thất nghiệp. Họ sẽ chỉ càng nghi ngờ hơn. Gần đây cảnh sát đang lo sốt vó về những tên khủng bố cánh tả; họ đinh ninh rằng chúng nhan nhản khắp nơi ở Tokyo, chúng giấu hàng kho súng và lựu đạn tự chế. Họ sẽ gọi điện cho đến văn phòng Kumiko để kiểm chứng những gì tôi nói. E rằng Kumiko sẽ rất buồn phiền.Thế nhưng tôi vẫn vào. Vào rồi khép cổng lại sau lưng. Chuyện gì tới, cứ tới. Nếu chuyện gì đó đã muốn xảy ra, cứ để nó xảy ra.”
“Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.”
“Cha xứ đã nói điều gì đó giống như: “Trong tất cả các ngôn ngữ trên thế gian, đều có cùng một câu ngạn ngữ: ‘Mắt không nhìn thấy thì trái tim không đau.’ À, tôi nói rằng không hề có một chút sự thật nào trong câu nói đó. Chúng càng ở xa, thì tất cả những cảm xúc mà chúng ta cố trấn áp và quên lãng lại càng gần gũi với trái tim ta hơn. Nếu chúng ta đang phải sống tha hương, chúng ta sẽ muốn tích giữ mọi ký ức dù là nhỏ bé của nguồn cội ấy. Nếu ta ở cách xa những người ta yêu thương, mỗi người lướt qua trên phố đều sẽ gợi cho ta nhớ về họ....Cuối buổi lễ, tôi gặp cha xứ để cảm ơn ông: Tôi đã nói rằng tôi là một người lạ mặt giữa một miền đất xa lạ, và tôi cảm ơn cha vì đã nhắc tôi nhớ rằng có những thứ đôi mắt không nhìn thấy, nhưng trái tim vẫn đau...”
“Cả cuộc đời tôi, tôi nghĩ đến chuyện yêu đương như là một dạng nô lệ tình nguyện. À, một lời nói dối: Tự do chỉ tồn tại khi tình yêu hiện diện. Người đem đến cho anh ta hoặc cho cô ta sự toàn vẹn, hoàn hảo, người cảm thấy tự do nhất chính là người yêu bằng cả trái tim.Và người yêu bằng cả trái tim sẽ cảm thấy tự do.Đó là lý do vì sao, bất chấp những gì tôi có thể trải nghiệm, làm hay học được, không điều gì có ý nghĩa cả. Tôi hi vọng khoảng thời gian này sẽ qua đi nhanh chóng, để tôi có thể bắt đầu lại cuộc kiếm tìm cho chính mình—một người đàn ông sẽ hiểu tôi và không làm tôi đau.Nhưng tôi đang nói gì vậy? Trong tình yêu, không ai có thể làm hại bất kỳ ai; chúng ta phải chịu trách nhiệm với chính những cảm xúc của mình và không thể đổ lỗi cho người khác vì những gì chúng ta cảm thấy.Bị tổn thương khi tôi dần đánh mất những người đàn ông mà tôi đã yêu. Nhưng giờ đây, tôi tin rằng không ai đánh mất ai, vì không ai sở hữu ai.Đó là trải nghiệm thật sự của tự do: có được thứ quan trọng nhất trên thế giới này mà không sở hữu nó.”
“Tất cả đàn ông, cao hay thấp, ngạo mạn hay khiêm tốn, thân thiện hay lạnh lùng, đều có một đặc điểm chung: khi họ đến câu lạc bộ, họ đang sợ. Càng có kinh nghiệm, tôi càng thấy rõ việc họ che giấu nỗi sợ hãi bằng cách nói chuyện to tiếng, càng rụt rè, thiếu tự nhiên họ càng không thể che giấu được những cảm xúc của mình, và việc bắt đầu uống rượu cho thấy là họ không thể điều khiển nỗi sợ được nữa. Nhưng tôi lại tin, với một hi vọng mong manh rằng—những “khách hàng đặc biệt” mà Milan vẫn chưa giới thiệu cho tôi—tất cả bọn họ đều lo sợ.Lo sợ cái gì? Tôi mới là người phải run sợ chứ. Tôi là người phải rời khỏi câu lạc bộ rồi biến mất vào một khách sạn xa lạ, và tôi cũng không phải là người có thế lực siêu nhiên hay có vũ khí nguyên tử gì. Đàn ông rất kỳ lạ, tôi không ám chỉ riêng nhưng những người đến Copacabana thôi, tôi muốn nói đến tất cả đàn ông tôi từng gặp. Họ có thể đánh bạn, quát thét vào mặt bạn, hăm dọa bạn, nhưng họ lại thật sự sợ phụ nữ đến chết đi được. Có thể đó không phải là người phụ nữ họ lấy làm vợ, nhưng luôn có một người phụ nữ mà họ thấy sợ và luôn buộc họ phải phục tùng theo sự thất thường của cô ta. Thậm chí người phụ nữ ấy có thể chính là mẹ của họ.”
“Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen , không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc chúng ta. Nghĩ như vậy, tự nhiên tôi lại thấy vui.”