“Có lẽ đó chính là lúc tôi biết thế nào là tủi nhục và cả màu sắc của nó. Tủi nhục không có màu đen của bùn đất, như tôi vẫn nghĩ. Tủi nhục mang màu của bộ đồng phục trắng mẹ phải thức đêm thức hôm ủi quần áo thuê để có tiền mua, màu trắng không vướng một mảy, một hạt vết bẩn nào do lao động.”
“Có những người yêu đã ra đi bỗng một ngày nào đó trở lại. Vì sao? Không vì sao cả. Vì một chọn lựa tưởng rằng đúng cuối cùng sai. Và đã trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương. Một vết thương đã lành lặn lâu rồi bất chợt vỡ òa như một cơn tỉnh thức. Tỉnh thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng đã thuộc về quá khứ. Nhưng không, không có gì thuộc về quá khứ cả. Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó. Nó vẫn chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương.Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó đã thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng đến tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân nó rằng không có một vết thương nào vô tư mà sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão.”
“Từ bao giờ nhỉ, mỗi khi chỉ có một mình, tôi lại thấy buồn ngủ đến nhường này?Cơn buồn ngủ ập đến như nước triều dâng, không thể nào cưỡng lại được. Những giấc ngủ ấy lắng sâu vô tận, đến nỗi tiếng chuông điện thoại và cả tiếng xe cộ qua lại ngoài đường không cách gì lọt vào tai tôi được. Không còn đau đớn, cũng không còn muộn phiền, chỉ còn lại thế giới chìm đắm của giấc ngủ mà thôi.Lúc thức giấc tôi thấy hơi đơn độc, nhưng chỉ trong thoáng chốc. Nhìn ra bầu trời u ám, tôi mới biết mình đã ngủ khá lâu, để rồi lại vẩn vơ: “Mình đâu có định ngủ, vậy mà… tiêu tốn vô ích mất cả một ngày trời rồi…” Giữa tâm trạng bứt rứt như thể một nỗi ê chề, tôi bất chợt rùng mình.Không biết tự bao giờ, tôi cứ để mặc cho mình chìm vào những giấc ngủ ấy. Và cũng không biết tự bao giờ, tôi không còn cố chống lại nó nữa… Cái thời tôi lúc nào cũng tràn đầy khí thế, mắt luôn luôn tỉnh táo là hồi nào nhỉ? Thời đó đã xa lắm, như thể từ thời tiền sử, cái thời xa lắc mà người ta chỉ có thể hình dung ra được với một màn hình phẳng choán ngợp thứ sắc màu hoang sơ, sống động của dương xỉ và khủng long.”
“Mỗi người sinh ra đều có một cái tên.Cái tên là dấu hiệu để phân biệt người này với người khác. Không có tên, người ta gọi là vô danh. Vô danh thì không đọng lại được trong tâm trí bất kỳ ai, không phân biệt được với ai. Nó không có hình thù. Nó chỉ là một khối nhờ nhờ.Bạn cũng biết rồi đó, cái tên khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp cho nó tỏa hương.Lão Hiếng chắc cũng từng có một cái tên như những người khác. Nhưng tính cách của lão đã lấn át và nhuộm đen cái tên cha mẹ đặt cho lão và bằng cách đó lão đã tẩy xóa cả lão lẫn cái tên của lão khỏi ký ức mọi người.Chúng tôi gọi lão Hiếng như gọi một thế lực, một hiểm họa hay một bệnh dịch chứ không như gọi một con người.”
“Cuộc sống của con người phải đâu chỉ thu hẹp trên mảnh đất vùng quê! Đã đành quê hương là nơi gắn bó với cuộc đời mình nhất, nhưng khi người ta còn trẻ tráng, phải bay nhảy hoạt động, đi đây đi đó chứ. Lúc nào cũng chạnh nghĩ về quê hương, đó là báo hiệu của tuổi già... Không phải vì có đôi chim cánh cụt mà con panh-goanh không đi xa được đâu. Nó là một còn chim không có cánh ở tâm hồn. Nó như một ông cụ già lưng mỏi gối chùn, lúc nào cũng muốn tìm về nằm xuống ở quê hương!”
“Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.”