“Đừng làm quen với nó, bởi vì nó rất dễ trở thành thói quen; nó là một chất gây nghiện mạnh. Nó có trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong sự đau khổ mà chúng ta cố che giấu, trong những hi sinh mà chúng ta làm, đổ lỗi cho tình yêu vì sự tan vỡ của những giấc mơ. Đau đớn thật khủng khiếp khi nó phô bày bộ mặt thật sự của nó, nhưng nó cám dỗ, lôi cuốn khi nó được trá hình như là một sự hi sinh hay một sự tự phủ nhận. Hay tính hèn nhát. Thế nhưng càng chối bỏ, chúng ta lại càng tìm được cách tồn tại với nó, với sự ve vãn của nó và biến nó thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.”“Em không tin điều đó. Không một ai muốn đau khổ cả.”“Nếu em nghĩ em có thể sống mà không đau khổ, đó sẽ là một bước tiến lớn, nhưng đừng tưởng tượng rằng những người khác sẽ hiểu em. Đúng, sự thật là không ai muốn đau khổ, ngay cả những người vẫn tìm kiếm đau đớn và sự hi sinh kia, nhưng rồi họ cảm thấy sự hợp lý, rõ ràng ở đó, và họ đang được nhận sự tôn trọng của con cái, những người chồng, hàng xóm láng giềng, và cả Chúa Trời. Bây giờ chúng ta đừng nghĩ về điều đó nữa; tất cả những gì em cần biết là cách điều khiển cho thế giới này quay tròn, không phải là hành trình kiếm tìm khoái cảm, mà là sự hi sinh quên mình vì tất cả, đó mới là điều quan trọng.Có phải một người lính tham gia các cuộc chiến tranh là để giết quân thù hay không? Không, anh ta ra đi để hi sinh vì Tổ Quốc. Có phải một người vợ muốn chồng thấy mình đang hạnh phúc như thế nào không? Không, cô ấy muốn chồng thấy cô ấy chân tình như thế nào, cô ấy chịu đựng như thế nào để khiến anh ta hạnh phúc. Có phải một người chồng đi làm vì nghĩ rằng anh ta sẽ tìm được sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu cá nhân ở nơi làm việc không? Không, anh ta đang đem những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt đổi lấy sự tốt đẹp, an lành cho gia đình. Và vì vậy cuộc sống vẫn có những đứa con trai từ bỏ những giấc mơ của chúng để làm vui lòng cha mẹ, cha mẹ từ bỏ cuộc sống của họ vì con cái; đau đớn và khổ sở được dùng để bào chữa cho một thứ duy nhất đem lại niềm vui sướng: tình yêu.”