“Sau này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, 'ngoái đầu thương dĩ vãng'. Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỉ niệm. Từ một bà già đến từ ngoại ô và hẳn trong khu vườn của chủ nhân có một cây thị hiếm hoi ở đất Sài Gòn.”
“Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ...”
“Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.”
“Ngày xưa, hồi tôi còn nhỏ, có một ống bác đã dạy tôi rằng chết là ngừng thở. Và suốt cả một thời gian dài, tôi đã tin như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống không chỉ có nghĩa là thở. Điều đó chắc chắn sai rồi.”
“Có khi tôi nghĩ tôi không còn nhớ anh. Nhưng có khi tự nhiên, một khoảnh khắc kỳ lạ chợt trở về. Không phải là một câu chuyện, mà chỉ là một khoảnh khắc ngắn và rõ ràng. Anh ấy hay hút một điếu thuốc đến nửa rồi dụi tắt và bỏ nó vào túi áo để dành lúc khác hút tiếp. Rồi anh quên mất những nửa điếu thuốc ấy. Ngày xưa tôi thường thò tay vào túi những chiếc áo anh thay ra để lấy chúng đem vất đi. Nhiều năm sau khi anh chết, tay tôi chợt chạm lại những mẩu thuốc ấy trong tâm tưởng, có khi vẫn còn một chút ẩm ở đầu lọc đã nằm trong miệng anh khi anh hút nó. Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa khoảnh khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại.”
“Cha xứ đã nói điều gì đó giống như: “Trong tất cả các ngôn ngữ trên thế gian, đều có cùng một câu ngạn ngữ: ‘Mắt không nhìn thấy thì trái tim không đau.’ À, tôi nói rằng không hề có một chút sự thật nào trong câu nói đó. Chúng càng ở xa, thì tất cả những cảm xúc mà chúng ta cố trấn áp và quên lãng lại càng gần gũi với trái tim ta hơn. Nếu chúng ta đang phải sống tha hương, chúng ta sẽ muốn tích giữ mọi ký ức dù là nhỏ bé của nguồn cội ấy. Nếu ta ở cách xa những người ta yêu thương, mỗi người lướt qua trên phố đều sẽ gợi cho ta nhớ về họ....Cuối buổi lễ, tôi gặp cha xứ để cảm ơn ông: Tôi đã nói rằng tôi là một người lạ mặt giữa một miền đất xa lạ, và tôi cảm ơn cha vì đã nhắc tôi nhớ rằng có những thứ đôi mắt không nhìn thấy, nhưng trái tim vẫn đau...”